Thừa Thiên Huế hướng tới mục tiêu xây dựng các Khu Công nghiệp thân thiện với môi trường
Thừa Thiên - Huế: Thực trạng thu hút đầu tư công nghiệp và Chính sách hướng tới phát triển bền vững
Nếu xét trên bình diện chung về các địa phương có thế mạnh về thu hút công nghiệp thì Thừa Thiên - Huế không được xem như là một cái tên tiêu biểu do vị trí không quá nổi trội, có tính cạnh tranh. Nhưng thực tế dường như đang chứng minh điều ngược lại khi mà Thừa Thiên - Huế nổi lên như một địa phương đi đầu về thu hút đầu tư công nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ với tỷ lệ thu hút đầu tư và lấp đầy các Khu Công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đạt mức cao.
Tính đến năm 2020, Thừa Thiên Huế có 06 KCN và 02 Khu kinh tế (KKT) đã được xây dựng và đưa vào vận hành thu hút đầu tư: Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh và 02 Khu kinh tế, trong đó KCN thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) có diện tích khoảng 570ha, KCN Hương Lâm thuộc KKT cửa khẩu A Đớt (huyện A Lưới) có diện tích khoảng 140 ha.
Về tỷ lệ lấp đầy, tận dụng tối đa các thế mạnh địa phương cùng với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, nhiều KCN tại Thừa Thiên - Huế đạt tỷ lệ lấp đầy cao, cụ thể: (1) KCN Phú Bài giai đoạn I, II đạt tỷ lệ lấp đầy 98% với 48 dự án đầu tư; (2) KCN La Sơn đạt tỷ lệ lấp đầy 37% với 03 dự án đầu tư; (3) KCN Phong Điền B và khu B mở rộng đạt tỷ lệ lấp đầy 74%; (4) KCN Phú Đa đạt tỷ lệ lấp đầy 42,5%.....
Các khu công nghiệp khác tại các Thừa Thiên Huế cũng đang nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư trong nước và Quốc tế như KCN Phú Bài Giai đoạn III, IV, KCN Phong Điền Mở rộng…dự kiến khi đi vào vận hành sẽ bổ sung khối lượng lớn diện tích đất công nghiệp tiềm năng
Tận dụng thế mạnh và tạo điều kiện đầu tư tốt nhất để thu hút đầu tư
Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây và là tỉnh sở hữu 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày văn hóa, được công nhận là thành phố Festival quốc gia, là trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm khoa học công nghệ và trung tâm y tế chuyên sâu…
Thừa Thiên - Huế có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển, hệ thống giao thông thuận lợi và đa dạng, bao gồm đường bộ và đường sắt nằm trên tuyến xuyên Việt, hai cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào, sân bay Quốc tế Phú Bài, cảng Thuận An cách thành phố Huế 12 km có thể đón tàu có trọng tải 2.000 tấn và đặc biệt Cảng nước sâu Chân Mây – cửa ra biển Đông của Hành lang kinh tế Đông Tây - có thể đảm bảo cho tàu hàng hóa có trọng tải đến 50.000 tấn và tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn nhất thế giới (225.000 GT) cập bến.
Với những tiềm năng và lợi thế vô cùng to lớn của mình, Thừa Thiên Huế được xác định là trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế và là một trong những đầu mối giao thông của khu vực miền Trung Tây Nguyên và cả nước; là trung tâm văn hoá - du lịch; khoa học và công nghệ; y tế chuyên sâu; giáo dục - đào tạo đa ngành chất lượng cao và là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất.
Bên cạnh việc nhận thức về tiềm năng thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đẩy mạnh việc phát triển chính sách thu hút đầu tư và văn hóa hành chính công lành mạnh. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo mọi điều kiện tốt nhất để mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư quốc tế và giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ những nỗ lực của tỉnh đã khiến cho quá trình từ khi tìm hiểu đến triển khai và đưa dự án đi vào vận hành được diễn ra nhanh chóng, giúp doanh nghiệp sớm ổn định đi vào sản xuất.
Phát triển phải bền vững, gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ môi trường
Thực hiện mục tiêu chung của Quốc hội về thu hút và phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế bên cạnh việc thúc đẩy các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp nhanh chóng triển khai hoạt động xây dựng để đảm bảo tiến độ nhanh chóng bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư còn yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện nghiêm việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, việc thu thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều dự án mà đánh đổi môi trường hay thu hút những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…
Cần tiếp tục cải thiện chính sách quảng bá và thu hút đầu tư
Dù được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút công nghiệp trong khu vực, nhưng nếu so với các địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư, thì khoảng cách chênh lệch vẫn còn khá lớn, chưa thực sự bắt kịp xu thế. Chính vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trương tiếp tục học hỏi kinh nghiệm thu hút đầu tư tại các tỉnh có nhiều kinh nghiệm và đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại để nâng cao hiệu quả của hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn.
CÔNG TY CP TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN KLAND
Hotline: (+84)24 9995 9993
Email: Contact@Kland.vn
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn