Hiện nay, khoảng 85% khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay hoạt động theo mô hình KCN đa ngành, đa lĩnh vực; 15% KCN hoạt động theo mô hình khu công nghiệp chuyên sâu và chưa có một KCN nào đạt chuẩn khu công nghiệp sinh thái
QUY CHUẨN MỚI VỀ KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI TẠI VIỆT NAM
Theo chia sẻ của Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 diễn ra vào trung tuần tháng 8, khoảng 85% khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay hoạt động theo mô hình KCN đa ngành, đa lĩnh vực; 15% KCN hoạt động theo mô hình khu công nghiệp chuyên sâu và chưa có một KCN nào đạt chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo quy định mới của Chính phủ.
Tháng 5 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP Quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế. Nghị định ghi nhận nhiều nội dung mới như quy định thêm các loại hình KCN mới bao gồm KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, đồng thời sửa đổi, bổ sung nội dung về KCN sinh thái và Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ. Một trong những nội dung nổi bật của nghị định là quy định chi tiết cụ thể về mô hình KCN sinh thái. Nghị định mới quy định cụ thể các tiêu chí đối với doanh nghiệp hoạt động trong KCN sinh thái như sau:
Thứ nhất, Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái;
Thứ hai, Thực hiện ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp (nhóm các doanh nghiệp trong cùng 1 KCN hợp tác để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh) và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp;
Thứ ba, Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên , sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường.
Theo tham luận "Các mô hình KCN mới trong Nghị định 35/2022 của Chính phủ" của ông Trần Quốc Trung tại Khu công nghiệp Việt Nam 2022, 85% các KCN tại Việt Nam hiện nay hoạt động theo mô hình KCN đa ngành, đa lĩnh vực và chưa có một KCN nào đạt chuẩn KCN sinh thái.
Trong thực tế, hiện nay một số Khu công nghiệp đang định hướng xây dựng và phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái như KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), KCN Liên Hà Thái (Thái Bình), KCN Hòa Khánh (Phú Yên)… Tuy nhiên, các KCN này vẫn chưa đạt đủ các tiêu chí theo quy định của Chính phủ để được công nhận là KCN sinh thái. Nghiên cứu đã chỉ ra nhiều lợi ích của KCN sinh thái như thực hiện cam kết môi trường, giảm thiểu rủi ro môi trường, giảm rủi ro sử dụng nguyên liệu nước, đáp ứng COP26, doanh nghiệp cải thiện sức khỏe người lao động, chia sẻ nguyên vật liệu trong sản xuất kinh doanh, phát triển cộng đồng dân cư có môi trường sống tốt đẹp hơn….Ngoài ra KCN khi đạt chuẩn các tiêu chí về KCN sinh thái, công ty phát triển cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp hoạt động trong KCN sẽ được tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng xanh, trái phiếu xanh; cung cấp thông tin hỗ trợ và giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.
Hiện nay, định hướng phát triển các KCN chuyên sâu và KCN sinh thái đang là xu hướng chung nhằm đảm bảo phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Việc có những quy định cụ thể về các tiêu chí xác định KCN sinh thái giúp cho các chủ đầu tư khu công nghiệp có kế hoạch, mục tiêu xây dựng KCN ngay từ ban đầu.