Với những lợi thế sẵn có, cùng với quỹ đất lớn là dư địa phát triển quy hoạch khu công nghiệp trong tương lai, Bình Phước được dự đoán trong tương lai gần sẽ là một điểm sáng phát triển của khu vực Đông Nam Bộ
BÌNH PHƯỚC - ĐIỂM SÁNG MỚI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TẠI KHU VỰC PHÍA NAM
Trong những năm vừa qua, khu vực phía Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đất công nghiệp, với các trung tâm công nghiệp mới được hình thành như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Các tỉnh này nhanh chóng phát triển “nóng” đất công nghiệp nhờ vào vị trí nằm giáp thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dư địa phát triển của các tỉnh này không còn nhiều, vì vậy thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam được dự báo sẽ phát triển về các tỉnh xa thành phố Hồ Chí Minh hơn, ví dụ như Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận,… Trong số đó, Bình Phước có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động giá rẻ, kết nối giao thông thuận tiện. Chính vì những lẽ đó, Bình Phước được kỳ vọng sẽ tạo được bước đột phá về công nghiệp trong những năm tới đây.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRPD) tỉnh Bình Phước đạt gần 46.200 tỷ đồng, tăng hơn 6,3% so với năm 2020. Với kết quả này, Bình Phước là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Bộ và cao thứ 20 cả nước. Đặc biệt, ngành công nghiệp và xây dựng có bước phát triển mạnh, tổng sản phẩm khu vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh đạt gần 15.400 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2020. Tính riêng ngành công nghiệp tăng 20,6%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất 17,4% giữ vai trò là động lực chính trong khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Ngoài việc phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt kết quả ấn tượng. Năm 2021, tuy cả nước chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố chứng kiến sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư, Bình Phước vẫn ghi nhận những con số ấn tượng về thu hút đầu tư nước ngoài với 63 dự án mới, tổng số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020. Quý 1/2022, Bình Phước thu hút 9 dự án FDI với số vốn đăng ký 30 triệu USD. Kết quả này là minh chứng thuyết phục cho sự hấp dẫn của Bình Phước trong thu hút đầu tư.
Những kết quả phát triển kinh tế ngoạn mục như vậy đã chứng minh cho những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động và cả chính sách đúng đắn của tỉnh Bình Phước. Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, Bình Phước có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư. Ưu thế lớn nhất của tỉnh là có diện tích đất đai lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ với hơn 6.800km2. Bên cạnh đó, dân số của tỉnh đang trong cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động chiếm hơn 60% dân số. Đây là cơ hội thuận lợi để Bình Phước thu hút nguồn nhân lực và sử dụng lực lượng lao động có tay nghề. Về chính sách, Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Các thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử của tỉnh đều trong nhóm các địa phương dẫn đầu. 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong tỉnh đã sử dụng hoá đơn điện tử. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thông thoáng trong chính sách thu hút đầu tư là một điểm cộng lớn cho Bình Phước trong thu hút dòng vốn đầu tư vào tỉnh đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Với những lợi thế sẵn có, cùng với quỹ đất lớn là dư địa phát triển quy hoạch khu công nghiệp trong tương lai, Bình Phước được dự đoán trong tương lai gần sẽ là một điểm sáng phát triển của khu vực Đông Nam Bộ, cùng với Bình Dương, Đồng Nai tạo thành các vệ tinh phát triển công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh.